Tập trung bón phân đón đòng cho lúa vụ Xuân 2024
Hiện nay, cây lúa vụ Xuân năm 2024 trên địa bàn huyện đang sinh trưởng, phát triển tốt, tập trung ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Việc bón phân đón đòng đúng thời điểm sẽ quyết định đến năng suất lúa sau này. Để hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí, bà con nông dân cần tập trung bón phân thúc đòng sớm và chăm sóc lúa vụ xuân.
Trong đó, giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng là giai đoạn quan trọng quyết định số hạt/bông. Bón phân đón đòng sớm (bón phân thúc lần 2) đúng thời điểm, đúng loại phân, đúng liều lượng sẽ phát huy hiệu quả gia tăng số hạt chắc/bông, cho năng suất cao. Nên bón phân đón đòng khi cây lúa bắt đầu hình thành tượng khối sơ khởi. Bón vào thời điểm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cả dảnh cái và các dảnh con trong quá trình phân hoá đòng và nuôi đòng. Nếu bón phân muộn hơn sẽ cho bông lúa nhỏ, ngắn và không nhiều hạt.
Lượng phân bón đón đòng: nếu bón phân NPK chuyên dùng thì theo hướng dẫn trên bao bì của từng nhà sản xuất; Nếu dùng phân đơn, cần bón với lượng Đạm Urê là 1 - 1,5 kg, Kaliclorua từ 4 - 6 kg, trộn đều rồi bón (nếu ruộng lúa có màu xanh đậm thì không nên bón thêm phân đạm). Sử dụng kết hợp đạm với kali có tác dụng kích thích quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng về hạt, làm chắc hạt, sáng hạt, làm cứng cây, đanh dảnh, chống đổ cho cây, tăng năng suất và chất lượng gạo. Bên cạnh đó, giai đoạn này luôn giữ mực nước trong ruộng từ 3-5cm để cây lúa đủ nước và hấp thu dinh dưỡng được tốt nhất thuận lợi cho quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng. Bà con nông dân có thể phun thêm phân bón lá để bổ sung các nguyên tố trung và vi lượng góp phần tăng khả năng chống chịu cho cây, cây khỏe cho năng suất cao.
Vụ xuân cũng thường là vụ phát sinh nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.....các đối tượng dịch hại khi đã không được kiểm soát làm thiệt hại năng suất lúa vụ xuân là rất cao. Do vậy, bà con nông dân cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thăm đồng thường xuyên phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh phát sinh để chủ động phòng trừ kịp thời không để lây lan thành dịch làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây lúa.
Đối với diện tích lúa vụ chiêm xuân 2024 trên địa bàn huyện, dự kiến tập trung bón đón đòng từ ngày 25 – 30/3/2024.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Tập trung bón phân đón đòng cho lúa vụ Xuân 2024
- Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khu dân cư trên địa bàn huyện
- Huyện Hoằng Hoá – trồng trên 35 nghìn cây xanh, cây bóng mát
- Hội nghị triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 7 và mưa lũ sau bão
- Hoằng Hóa phát triển trên 200 ha nuôi tôm theo hướng công nghiệp
- Hội nghị khuyến nông @ nông nghiệp: chủ đề “các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm”.
- Hoằng Hóa – tập trung thu hoạch lúa vụ mùa 2020
- Hoằng Xuân –tập trung thu hoạch lúa vụ mùa 2020
- Thanh niên Lê Đình Sỹ- khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn
- Hoằng Hóa chuẩn bị các điều kiện nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè 2020